Adam Smith và Sự giàu có của các quốc gia Lịch_sử_tư_tưởng_kinh_tế

Adam Smith, cha đẻ của kinh tế chính trị học hiện đại.

Adam Smith (1723–1790) được thừa nhận rộng rãi là cha đẻ của kinh tế chính trị học hiện đại. Việc xuất bản tác phẩm Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia (hay Sự giàu có của các quốc gia) năm 1776 trùng hợp không chỉ với cuộc Cách mạng Mỹ, không lâu trước những biến động rộng khắp ở châu Âu do cuộc Cách mạng Pháp, mà còn vào bình minh của cuộc Cách mạng công nghiệp giúp tạo ra của cải ở quy mô lớn hơn bất cứ khi nào trước đó. Smith vốn là một nhà triết học luân lý người Scotland. Cuốn sách đầu tiên xuất bản của ông là The Theory of Moral Sentiments (1759, Học thuyết về những cảm xúc luân lý). Ông lập luận rằng những hệ thống đạo đức do con người phát triển nên thông qua các mối quan hệ cá nhân với những cá nhân khác, và chuyện đúng sai được phân biệt thông qua phản ứng của những người khác với hành vi của một cá nhân. Ban đầu, cuốn sách này giúp Smith nhận được nhiều sự chú ý hơn hẳn tác phẩm thứ hai của ông, Sự giàu có của các quốc gia, vốn bị dư luận hoàn toàn phớt lờ.[5] Nhưng kiệt tác của Smith vẫn rất thành công với những người quan tâm đến nó.

Bối cảnh

William Pitt, Thủ tướng Anh của Đảng Bảo thủ vào cuối những năm 1870 ban hành các đề xuất thuế dựa trên những ý tưởng của Smith và ủng hộ thương mại tự do như một môn đồ nhiệt thành của tác phẩm Sự giàu có của các quốc gia.[6] Smith được bổ nhiệm làm cao ủy về hải quan của Anh quốc và trong 20 năm, ông đã có cả một thế hệ mới những tác giả đi sau với ý định xây dựng một ngành khoa học riêng cho kinh tế chính trị.[5]

Edmund Burke.

Smith bày tỏ những suy nghĩ giống nhau của ông với Edmund Burke, một nghị sĩ được biết đến rộng rãi là một nhà triết học chính trị thời bấy giờ.

Burke là người duy nhất tôi từng biết nghĩ về các chủ đề kinh tế chính xác như cách tôi nghĩ mà không hề có trao đổi nào trước đó giữa chúng tôi.[7]

Burke cũng là một nhà kinh tế chính trị có tên tuổi, với cuốn sách Thoughts and Details on Scarcity (Những suy nghĩ và chi tiết về sự khan hiếm). Ông chỉ trích chính trị học tự do, và lên án cuộc Cách mạng Pháp, nổ ra năm 1789. Trong tác phẩm Reflections on the Revolution in France (1790, Những suy nghĩ về cuộc Cách mạng Pháp), ông viết rằng "thời đại của các hiệp sĩ kỵ mã đã chết, thời đại của những cậu học trò, những nhà kinh tế và những người làm tính đã thay thế, và vinh quang ở châu Âu sẽ tàn lụi vĩnh viễn." Những người cùng thời chịu ảnh hưởng của Smith bao gồm François QuesnayJacques Turgot, người mà ông gặp trong một chuyến đi Paris, và David Hume, đồng hương Scotland của ông. Thời đại này cũng là giai đoạn mà các học giả đứng trước một yêu cầu chung giải thích những biến động xã hội do cuộc Cách mạng công nghiệp và sự hỗn loạn khi những cấu trúc phong kiếnquân chủchâu Âu bị thách thức nghiêm trọng.

Bàn tay vô hình

"Không phải bởi sự tử tế của người hàng thịt, người nấu bia hay người thợ làm bánh là điều chúng ta chờ đợi trong bữa tối, mà là lợi ích cá nhân của họ. Chúng ta không trông chờ ở sự nhân đạo của họ, mà ở việc họ tự yêu bản thân họ, và không bao giờ nói gì với họ ngoài những nhu cầu của chúng ta, nhưng cũng mang tới lợi ích cho họ. "[8]
Tuyên bố nổi tiếng của Adam Smith về tính tư lợi

Smith bảo vệ một hệ thống tự do tự nhiên[9] trong đó nỗ lực cá nhân giúp tạo ra hàng hóa cho xã hội. Smith tin rằng những người ích kỷ trong xã hội cũng sẽ bị kềm chế và làm việc vì điều tốt trong một thị trường cạnh tranh. Giá cả thường không đại diện cho giá trị của hàng hóa hay dịch vụ. Theo bước John Locke, Smith cho rằng giá trị thật của mọi thứ nằm trong hàm lượng lao động được đầu tư vào đó.

Mỗi người giàu hay nghèo tùy thuộc vào mức độ mà người đó có thể chi trả để tận hưởng những tiện nghi và niềm vui trong đời người. Nhưng một khi phân công lao động đã diễn ra xuyên suốt, lao động tự thân của một người chỉ có thể đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của anh ta. Phần lớn hơn nhiều anh ta phải nhận được từ lao động của những người khác, và anh ta phải giàu hoặc nghèo tùy thuộc vào số lượng lao động mà anh ta có thể chi phối, hay anh ta có thể chi trả để mua. Giá trị của bất kỳ hàng hóa nào, do đó, với người sở hữu nó, và người không có ý định tự mình tiêu dùng nó, mà đổi nó lấy các hàng hóa khác, là bằng với khối lượng lao động cho phép anh ta mua hay chi phối. Lao động, do đó, là thước đo đích thực của giá trị có thể trao đổi được của tất cả hàng hóa. Giá thực sự của tất cả mọi thứ, điều mà tất cả mọi thứ khiến cho một người phải tốn phí để có được, là công sức và những khó khăn bỏ ra để có được nó.

[10]

Khi người hàng thịt, người nấu bia và người thợ làm bánh hành động dưới sự khống chế của một nền kinh tế thị trường tự do, họ sẽ theo đuổi tư lợi, Smith lập luận, nhưng đồng thời một cách nghịch lý, điều đó giúp cho việc định giá đúng giá trị những hàng hóa của họ. Lập luận của ông về cạnh tranh như sau.

Khi số lượng bất kỳ hàng hóa nào được đưa vào thị trường thấp hơn so với nhu cầu thực tế, tất cả những ai sẵn sàng chi trả… sẽ không nhận được số lượng mà họ muốn… Một số người sẽ đồng ý trả nhiều hơn. Cạnh tranh sẽ xảy ra giữa họ, và giá thị trường sẽ tăng… Khi số lượng hàng hóa được đưa ra thị trường vượt hơn nhu cầu thực tế, hàng hóa sẽ không thể bán hết cho những người sẵn sàng trả mức giá bao gồm chi phí cố định, tiền lương và lợi nhuận cho người bán… Giá thị trường sẽ giảm…[11]

Smith tin rằng một thị trường sẽ sinh ra điều mà ông gọi là sự giàu có gia tăng. Điều này bao gồm hàng loạt khái niệm, như sự phân công lao động là động lực cho hiệu quả kinh tế, nhưng nó bị giới hạn bởi quy mô của các thị trường. Cả phân công lao động và mở rộng thị trường đòi hỏi sự tích tụ tư bản lớn bởi những doanh nhân và những nhà lãnh đạo kinh doanh và công nghiệp. Toàn bộ hệ thống dựa trên nền tảng duy trì sự đảm bảo với quyền tư hữu về tài sản.

Những hạn chế

Trang bìa cuốn Sự giàu có của các quốc gia.

Tầm nhìn của Smith về nền kinh tế thị trường tự do, dựa trên quyền tư hữu tài sản được bảo đảm, tích tụ tư bản, mở rộng các thị trường và phân công lao động đối lập với xu hướng của những người trọng thương tìm cách quản lý tất cả những hành động xấu xa của con người.[9] Thứ nhất, Smith tin rằng chính xác thì chính quyền có ba chức năng hợp pháp. Chức năng thứ ba là…

...thiết lập và duy trì những dịch vụ và định chế công cộng nhất định, vốn không bất kỳ cá nhân nào, hay nhóm nhỏ các cá nhân nào, có thể thiết lập và duy trì vì lợi ích của họ… Mọi hệ thống (nhà nước) bị lôi kéo về phía lợi ích nhóm của một số lĩnh vực nhất định để những lĩnh vực này nhận được phần chia lớn hơn từ vốn của xã hội, theo lẽ tự nhiên, sẽ đi tới sụp đổ, thay vì tăng trưởng, tiến tới một xã hội thực sự giàu có và thịnh vượng.

Thứ hai, ngoài sự cần thiết có dẫn đạo của nhà nước trong một số lĩnh vực nhất định, Smith lập luận rằng các tập đoàn lũng đoạn theo kiểu cartel là điều xấu vì chúng có nguy cơ giới hạn việc sản xuất cũng như chất lượng của hàng hóa và dịch vụ.[12]

Thứ ba, Smith chỉ trích nhà nước ủng hộ bất cứ hình thức độc quyền nào, vì độc quyền luôn dẫn tới việc bòn rút của người mua với mức giá cao nhất.[13] Sự tồn tại của độc quyền và nguy cơ xuất hiện các cartel, sau này sẽ là trọng tâm của chính sách về luật cạnh tranh, có thể phá hoại những lợi ích của thị trường tự do vì lợi ích của các doanh nghiệp với cái giá phải trả thuộc về người tiêu dùng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_tư_tưởng_kinh_tế http://socserv2.mcmaster.ca/~econ/ugcm/3ll3/veblen... http://www.dictionaryofeconomics.com/article?id=pd... http://www.lewrockwell.com/rothbard/rothbard200.ht... http://anarchism.pageabode.com/pjproudhon/system-o... http://anarchism.pageabode.com/pjproudhon/system-o... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8... http://www.youtube.com/watch?v=UzhD7KVs-R4 http://www.youtube.com/watch?v=jNgfIH5pyxg http://www.youtube.com/watch?v=muUjNWIeDZg http://homepage.newschool.edu/het//profiles/malthu...